Khu du lịch Đại Nam đón khoảng 2 triệu lượt khách mỗi năm, giá vé “trọn gói” để vào cổng và chơi hết các trò không dưới 400.000 đồng một khách tham quan.
Đầu tháng 11, khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) tuyên bố đóng cửa đến hết năm, sau quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc – Huỳnh Uy Dũng. Sự kiện này gây nhiều câu hỏi trong dư luận, bởi để có được một khu du lịch hoành tráng bậc nhất VN như hiện nay, ông Dũng “lò vôi” đã phải bỏ ra số tiền khổng lồ lên đến 6000 tỷ đồng, việc đóng cửa một khu du lịch hoành tráng, có lượng khách tham quan không nhỏ là điều khiến nhiều người phải lắc đầu bởi độ “mạnh tay” của đại gia này. Dư luận đặt câu hỏi: Ông Dũng “lò vôi” có ảnh hưởng thế nào đến Đại Nam, và mỗi năm khu du lịch này thu lợi nhuận bao nhiêu?
Theo tin tức trên báo VnExpress, hiện Công ty cổ phần Đại Nam có 3 cổ đông với tổng số 207.000 cổ phần, trong đó ông Huỳnh Uy Dũng sở hữu gần như toàn bộ với 206.842 cổ phần. 2 cổ đông còn lại là bà Nguyễn Phương Hằng – vợ ông Dũng và ông Nguyễn Hữu Phước – Phó tổng giám đốc Công ty đều nắm giữ 79 cổ phần.
Tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất năm 2014, theo đề xuất của ông Dũng “lò vôi”, đại hội từng thông qua việc sử dụng toàn bộ lợi nhuận của Công ty cổ phần Đại Nam từ hoạt động kinh doanh các khu công nghiệp, các khu dân cư và du lịch từ năm 2014 đến 2030 tài trợ cho chương trình kiểm soát và mổ tim cho trẻ em nghèo.
Theo số liệu ghi nhận, mỗi năm khu du lịch Đại Nam đón khoảng 2 triệu lượt khách. Những ngày bình thường, giá vé vào cổng, vé tại các khu biển, vườn thú 80.000-100.000 đồng một người mỗi khu, còn vé các trò chơi cũng từ 20.000 đến 50.000 đồng, cá biệt có những trò chơi với giá vé 80.000-115.000 đồng… Tính tổng cộng giá vé “trọn gói” để vào cổng và chơi hết các trò không dưới 400.000 đồng một khách tham quan..
Khu du lịch Đại Nam của ông Dũng “lò vôi” đón khoảng 2 triệu lượt khách mỗi năm, giá vé “trọn gói” không dưới 400.000 đồng một khách tham quan.
Theo nhiều nhà cung cấp dịch vụ trong các khu vực bị đóng cửa, mặc dù chủ đầu tư hứa miễn giảm tiền thuê mặt bằng nhưng họ vẫn bị mất doanh thu. Ngoài ra, lao động của các nhà cung cấp dịch vụ này chủ yếu là lao động thời vụ, nên việc đóng cửa gần 2 tháng sẽ khiến những lao động này phải nghỉ việc.
Hiện ông chủ khu du lịch Đại Nam cho biết đang ở Australia nghỉ dưỡng. Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết dù đóng cửa đến hết năm, nhân viên tại khu du lịch vẫn sẽ nhận được 100% lương cho khoảng thời gian này. “Nếu không còn mở cửa trở lại được nữa thì tôi thanh lý tài sản. Những người đã làm cho tôi đều là người nhà, anh em chí cốt. Tôi may mắn không nợ, chứ nợ mà đóng cửa thì tôi ‘chết’ liền”, ông Dũng nói.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Phó chủ tịch Thường trực Trần Văn Nam cho biết: “Việc đóng cửa khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương rất lấy làm tiếc vì người dân trong và ngoài tỉnh chịu ít nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến việc tham quan, vui chơi giải trí của du khách. Tuy nhiên, việc tạm ngừng hoạt động đó là quyết định của doanh nghiệp và luật không cấm điều này”.
Ông Phú Hữu Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thì cho biết, theo nguyên tắc doanh nghiệp có quyền tạm ngưng hoạt động và giải thể, nhưng phải báo cáo cho Sở và cơ quan thuế.
Sau 2 ngày đưa ra thông báo sẽ tạm đóng cửa khu du lịch kể từ 10/11 đến hết năm 2014, ngày 7/11Công ty CP Đại Nam bất ngờ ra thông báo mới, hoãn thời điểm ngưng hoạt động thêm 10 ngày với lý do lượng khách trong thời gian vừa qua đổ về đây quá đông. “Còn rất nhiều người muốn được đến tham quan khu du lịch này trước thời điểm đóng cửa, nên công ty thay vì mở cửa miễn phí đến ngày 9/11 đã quyết định tăng thêm 10 ngày nữa. Đây cũng là nguyện vọng của rất nhiều người dân Bình Dương và tại các địa phương lân cận”, đại diện Công ty chia sẻ.
Theo đó, kể từ 4/11 đến hết 19/11, khu du lịch này sẽ miễn phí vé vào cổng, vé biển, vé vườn thú và các loại vé trò chơi. Riêng các trò chơi liên doanh sẽ vẫn giữ mức giảm giá 50% áp dụng kể từ thông báo trước đó.
Tháng 9/1997, công trình khu du lịch Đại Nam chính thức khởi công. Suốt hơn 10 năm âm thầm xây dựng đến khi khánh thành năm 2007, ông vẫn luôn bị gán cho biệt danh “hâm, khùng”, bởi ý tưởng “bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc”.
Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến toạ lạc tại địa bàn phường Hiệp An, TP. Thủ Dầu Một. Vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn. Ông Huỳnh Uy Dũng khi đó nắm quyền thuê gần 500 ha đất tại đây, và vị này đã bắt tay vào việc lên kế hoạch, chuẩn bị những bước ban đầu cho việc biến vùng đất này trở thành điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất khu vực phía Nam, ngay khi rời khỏi chức vụ tại công ty Thành Lễ.
Khi ông đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu du lịch Đại Nam nhiều người bảo ông khùng. Thời điểm này, bất động sản đang “nóng”, nhiều đại gia làm ăn theo kiểu chớp nhoáng, đầu tư xây căn hộ hoặc đô thị để kiếm tiền nhanh trong khi ông với hơn 450ha đất nếu đầu tư xây khu đô thị bán, sẽ kiếm được rất nhiều tiền vậy mà không làm lại đi xây khu du lịch, tốn kém hàng ngàn tỉ đồng để thu về bạc lẻ.
Năm 2007, ông Dũng “lò vôi” cho khánh thành khu du lịch Đại Nam Văn Hiến, với quy mô đầu tư 6 nghìn tỷ, trên khoảng diện tích hơn 700 hécta, chia thành hai giai đoạn khánh thành. Về sau, khu du lịch này được đổi tên gọi thành Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách UBND thành phố khoảng 7 km về hướng huyện Bến Cát (Bình Dương). Khu du lịch bao gồm nhiều công trình tiêu biểu như: Kim Điện, Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn, Biển nhân tạo Đại Nam, Đền thờ Đại Nam quốc tự…
Bỏ tiền xây dựng Đại Nam, nhưng trong những năm điều hành, không ít lần ông Dũng lại mở cửa miễn phí cho khách tham quan, đặc biệt là đối với khu Kim điện. Nhiều người đặt câu hỏi, ông lấy tiền ở đâu để duy trì hoạt động cho khu du lịch này. Và câu trả lời của ông khiến không ít người bất ngờ: một phần chi phí được bù đắp từ chính nguồn thu yến sào do công trình mang lại.
“Lúc tôi xây 5 ngọn núi cao phía sau đền Đại Nam cốt tạ ơn, hiến dâng trời đất, tổ tiên… thật kỳ lạ, núi xây xong, lập bàn thờ bách gia trăm họ, không biết chim yến từ đâu kéo về hàng đàn làm tổ. Hiện nay, ước có tới 6.000 con chim yến, mỗi tháng thu được 15 kg yến sào, rồi tăng lên 30 kg/tháng. Mỗi kilô yến sào khoảng 40 triệu đồng. Mỗi năm, thu hoạch yến sào cũng hơn tỷ đồng. Tôi có thêm nguồn kinh phí để đầu tư lại cho khu du lịch”, vị này nói.
An Nhiên (Tổng hợp)