Xin chào luật sư của Café luật. Em có một vấn đề xin luật sư hướng dẫn. Năm 2007 em có mua 1 mảnh đất trên đó có 1 nhà cấp 4. Khi mua bán nhà xong thì chủ nhà chỉ giao sổ đỏ thôi nhưng chưa sang tên cho em. Khi mua bán thì có hợp đồng mua bán và trên đó có ghi là chủ nhà phải hỗ trợ khi bên mua có nhu cầu sang tên chuyển chủ mà không đòi hỏi thêm khoản chi phí nào. Nhưng đến nay khi em muốn sang tên chuyển chủ thì chủ nhà không chịu giúp mà cứ nói lòng vòng là ông ta bị mất CMT… Em đã phải xuống nước là sẽ tặng thêm ông 5tr để đi lại nhưng ông ấy vẫn gây khó dễ. Vấn đề là ở chỗ hợp đồng mua bán nhà trước đây em bị mất hết rồi. Luật sư có cách gì chỉ giúp em làm được sổ đỏ tên nhà em mà không cần đến bên bán không.
Rất mong nhận được hồi âm của luật sư.
Trân trọng!
Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Cafe Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:
Theo quy định của pháp luật thì tại :
Khoản 1 điều 168 Bộ Luật dân sự: “Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu”
Và khoản 2 Điều 439 Bộ Luật dân sự “đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”
Đồng thời tại điều 692 Bộ Luật dân sự thì việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định về đất đai.
Dựa trên các quy định này thì quyền sử dụng đất sẽ chuyển cho bên mua kể từ khi các bên đăng bộ sang tên tại cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất ở chứ không phải tại tổ chức công chứng mà hai bên ký hợp đồng công chứng.
Như vậy việc bạn và chủ nhà chỉ có hợp đồng mua bán mà chưa đăng bộ sang tên cho bạn nên hợp đồng này vi phạm về hình thức.
Theo điều 134, Bộ luật Dân sự 2005:
“Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.
Trong trường hợp này, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo đó, Tòa án sẽ triệu tập các bên và yêu cầu các bên thực hiện đúng theo nội dung của hợp đồng trong một khoản thời gian nhất định nếu quá thời hạn đó mà các bên không hoàn thành xong nghĩa vụ thì Toà tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là hai bên trao trả cho nhau những gì đã nhận. Bên nào có lỗi gây ra thiệt hại thực tế cho bên còn lại thì phải bồi thường.