Trung Quốc chủ động làm nhiều chuyện bất chấp lịch sử, luật pháp quốc tế. Nếu Việt Nam không kiên quyết, họ sẽ càng lấn tới, tìm mọi cách đạt mục đích đã đề ra – tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã trao đổi với VnExpress.
– Gần 2 tháng bị phản đối vì đặt trái phép giàn khoan 981, Trung Quốc không lùi bước mà kéo thêm 4 giàn khoan ra Biển Đông, có nhiều tuyên bố phá vỡ nguyên trạng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, diễn biến tiếp tới theo ông sẽ là gì?
– Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt các bước đi nguy hiểm ở Biển Đông, hiện thực hóa “đường lưỡi bò” tạo dựng từ lâu, nhằm biến Biển Đông thành ao nhà. Tuyên bố chủ quyền với khu vực này nên họ chủ động làm nhiều chuyện bất chấp lịch sử, luật pháp quốc tế. Nếu chúng ta phản ứng yếu ớt, họ sẽ càng lấn tới và tìm mọi cách đạt bằng được mục đích đề ra. Việt Nam bày tỏ thái độ và có hành động kiên quyết thì làm sao Trung Quốc có thể thành công được. Phải để Trung Quốc đối mặt với luật pháp thì mới có thể thay đổi hành động của họ ở Biển Đông.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã: “nhất định phải từ bỏ mọi bao cấp, kể cả bao cấp lòng yêu nước”. Ảnh: Nguyễn Đông
– Việt Nam cần phải làm gì để ứng phó?
– Việt Nam nên tận dụng cơ hội để không bị lệ thuộc vào Trung Quốc ở tất cả các mặt, trong đó có kinh tế để xây dựng một đất nước hùng mạnh.
Đây là cơ hội ngàn năm có một, Việt Nam không nên bỏ qua. Thoát Trung là thời cơ tạo ra nội lực mạnh, cả dân tộc đoàn kết thành một khối. Khi đó, lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam sẽ trở thành kỹ năng dẫn tới những suy nghĩ, hành động thiết thực, có lợi cho đất nước, dân tộc, thu hút được nhiều thành phần cùng tham gia.
Có độc lập tự chủ về kinh tế thì sẽ có độc lập về chính trị. Không còn mơ hồ gì nữa, Trung Quốc thực sự muốn biến Việt Nam thành thuộc quốc. Họ luôn tìm cách gây khó dễ, chèn ép người Việt ta từ nông dân đến chủ quyền biển đảo. Chúng ta nhất định phải nhanh chóng bày tỏ thái độ không và không bao giờ chấp nhận điều này.
Thế giới đang ủng hộ Việt Nam, tương lai sẽ đầu tư cho Việt Nam nếu chúng ta vào được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này không có Trung Quốc tham gia. Chúng ta cần để các nước tin tưởng Việt Nam không phải là sân sau của Trung Quốc, họ không còn lo ngại nữa, thì việc Việt Nam vào TPP không còn khó khăn.
Nếu Việt Nam không trở nên hùng cường thì không chỉ Trung Quốc, mà nhiều quốc gia khác sẽ tìm cách xử ép chúng ta.
– Thoát Trung bằng cách nào khi quy mô nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng lớn, lên hơn 20 tỷ USD vào năm ngoái?
– Thời điểm này, Hoàng Sa-Trường Sa như chất men yêu nước để tuổi trẻ Việt Nam nêu cao tinh thần, kỹ năng yêu nước. Phải ý thức được rằng lòng yêu nước thể hiện qua suy nghĩ, hành động từ những việc làm nhỏ nhất. Ví dụ, chuyện các cổ động viên Nhật Bản tình nguyện nhặt rác sau trận đấu ở World Cup bất kể đội bóng nước mình thắng hay thua. Hành động của họ tuy nhỏ nhưng khiến cả thế giới phải nghiêng mình.
Tôi từng kêu gọi giới trẻ tham gia đề án “Ngàn thanh niên thế kỷ 21”. Theo đó, các bạn trẻ có thể chọn hành động cụ thể về quảng bá văn hóa, giữ hồn dân tộc; các công ty lấy mục tiêu đóng góp và quyết không làm gì phương hại đến đất nước; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển trong đó có các cảng nước sâu, đường cao tốc xuyên quốc gia; đoàn kết với các nước ASEAN; tăng cường và củng cố các cụm công trình phòng thủ biển đảo, đẩy mạnh quốc phòng toàn dân để mỗi ngư dân là một dân binh.
Nhà nước là yếu tố quan trọng song nhất định phải từ bỏ mọi bao cấp, kể cả bao cấp lòng yêu nước. Cần gấp rút bài trừ cách sản xuất, nuôi trồng, chế biến và sử dụng, buôn bán các sản phẩm nông, ngư nghiệp và hàng tiêu dùng độc hại của Trung Quốc. Các địa phương ven biển cho đến các trường đại học phải có cơ sở nghiên cứu biển đảo, gắn với quảng bá chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Mỗi người dân Việt Nam nếu cùng đồng lòng yêu nước trong xây dựng và sáng tạo, thì một vài thập niên nữa Việt Nam sẽ khác hoàn toàn.
Nguyễn Đông